Thú chơi độc đáo: ‘Thánh lửa’ Đà thành

Không chỉ sở hữu bộ sưu tập cả ngàn chiếc zippo, ông Ngô Viết Tiến (40 tuổi, TP.Đà Nẵng) còn là người hiếm hoi có thể sửa chữa zippo đời cũ.

Phải lòng với… lửa

Ông Tiến chào đời sau ngày giải phóng đất nước nên những tàn tích của cuộc chiến vẫn còn sót lại ở nhiều vùng miền của Đà Nẵng. Từ nhỏ, ông đã thường xuyên lui tới sân bay để tìm phế liệu và đã tìm thấy nhiều chiến lợi phẩm do lính Mỹ để lại, trong đó có những chiếc Zippo mà họ từng sử dụng. “Không chỉ dùng để thắp thuốc lá, chiếc zippo còn là người bạn đồng hành với tôi trong nhiều việc. Những lúc rảnh rỗi, ngồi man mê chiếc zippo, tôi trở nên yêu quý nó hơn. Rồi lại muốn tìm kiếm, cất giữ cho mình những chiếc zippo khác”, ông Tiến kể cơ duyên đến với “nghề chơi” lửa.
Khi còn thanh niên, nghe ở đâu có bán zippo dù vào tận Bình Định hay ra đến Quảng Bình, ông Tiến cũng xách xe máy chạy đến tận nơi xem rồi hỏi mua cho bằng được. Gần 30 năm trót mê lửa, ông Tiến đã từng sở hữu những “con” đời đầu, được sản xuất cách đây hơn 80 năm. “Từ những zippo hình chữ xéo, hình chấm bi đến những chiếc đóng số La Mã… tôi đều có. Đến những zippo độc đáo hơn như: lồng 14 lỗ, thương hiệu Zippo đóng trên bánh xe. Hoặc có chiếc ruột xỏ chỉ, lề ni ken 3 chấu và cả những “con” vỏ thép”, ông Tiến vanh vách kể về những “đứa con cưng” của mình. Nói đoạn, ông lấy trong túi ra một chiếc rồi bật nắp nghe đánh một tiếng “boang” giòn tan rồi nói tiếp: “Như con này, có thể tuổi đời không lớn nhưng nó độc đáo ở chỗ là vỏ được làm bằng bạc và đường chỉ được mạ bằng vàng tây”. Ông Tiến tiếp tục lấy thêm một zippo khác có màu vàng sáng loáng và cho biết, chiếc zippo này có giá trị khá lớn vì được mạ vàng toàn vỏ.
Tự nhận mình là một người “chơi lửa” bình dân và không có tiền khi phải “lấy ngắn nuôi dài”, ông Tiến tâm sự, ban đầu ông không có kiến thức gì về loại bật lửa này. Để thỏa niềm đam mê, ông đã tự trang bị thông tin khi hàng ngày lên mạng hay hỏi han nhiều bạn chơi có kinh nghiệm khác. Dần dà, ông am hiểu lịch sử ra đời cho đến từng giai đoạn thăng trầm của mỗi chiếc zippo. Càng hiểu ông lại càng thích thú và dày công sưu tầm những chiếc “độc”.
Bậc thầy hồi sinh zippo
Trong “nghiệp” chơi zippo của mình, ông Tiến đã từng tiếp xúc với hàng trăm chiếc zippo các loại, trong đó không ít chiếc chỉ còn là mảnh sắt vụn được ông tìm thấy từ các bãi phế liệu. “Có nhiều chiếc cực kỳ độc đáo nhưng chỉ còn mỗi vỏ, mất ruột. Có những chiếc ruột tuổi đời hàng chục năm nhưng lại không thấy vỏ đâu. Nếu như thế mà bỏ đi thì tiếc quá...”, ông Tiến kể. Vì lý do không nỡ bỏ đi những kỷ vật này nên ông đã tìm cách phục chế và đã cho hàng trăm chiếc zippo được “sống lại” khiến nhiều người ngã mũ nể phục. Cũng từ đó, ông Tiến gắn luôn với nghề sửa chữa zippo. “Thánh lửa” gắn liền với tên tuổi của ông có lẽ cũng nhờ tài năng này.
Với ông Tiến, không có zippo “đồng nát” nào có thể khiến ông bó tay, có chăng chỉ khiến ông hao tâm tổn lực để tìm cách tái sinh mà thôi. “Nhưng nhiều lắm chỉ khoảng 10 ngày là tôi có thể “dụng lại” hình hài ban đầu cho chiếc zippo đó”, ông khẳng định. Đó là những chiếc zippo bị hỏng phần nắp được ông Tiến phục chế bằng cách biến nó thành hình can xăng trong chiến tranh. Đó là “con” bị thủng lỗ trên vỏ được ông “độ” lại khi cho một viên đạn xuyên thủng vẫn còn dính lại. “Có chiếc zippo khiến mình phải mất ăn mất ngủ nhiều ngày. Có hôm thức đến rạng sáng tìm ý tưởng “độ”, khi lóe lên là tôi làm đến sáng”, ông Tiến nói.
Tâm sự thêm về nghề, ông Tiến bảo, nghề sửa bật lửa Zippo thì không thể làm giàu được. Nhưng được cái là ông thoải mái sống vì đam mê, mê chơi lẫn cả mê làm. Có chiếc bán ra lãi được vài trăm ngàn đồng nhưng bù lại có con ông bán cho người chơi không tiền lãi. Đôi khi lại “lãi” bữa nhậu vì gặp “đồng nghiệp” thú vị. “Hoặc có chiếc zippo tôi chỉnh sửa, “làm đẹp” xong có 100 người hỏi mua tôi không bán mà chỉ dành cho bạn thân. Và như hiểu được tình cảm ấy, khi anh qua đời, người nhà vẫn đặt chiếc zippo trên bàn thờ người bạn ấy”, ông Tiến kể và bảo rằng, “chơi lửa” và giữ lửa cũng có cái duyên, cái tình ở đó.
Trong bộ sưu tập của mình, “Thánh lửa” Ngô Viết Tiến có một chiếc zippo khá đặc biệt với hình dáng to gấp 7-8 lần so với những chiếc bình thường. Chiếc zippo này vẫn hoạt động bình thường và được ông cất giữ cẩn thận trong tủ kính. “Nó được tôi mua lại cách đây đã nhiều năm. Theo hiểu biết của tôi thì chiếc zippo này được sản xuất vào khoảng những năm 40 thế kỷ 20”, ông Tiến nói.